HOẠCH ĐỊNH, ÁP DỤNG VÀ KIỂM SOÁT CÁC QUÁ TRÌNH CẦN THIẾT
Tiêu chuẩn yêu cầu
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ (8.1).
Điều này có nghĩa là gì?
Trong điều khoản 4.4 chúng ta đã xác định các quá trình cần thiết của QMS. Trong yêu cầu điều khoản này, tố chức phải hoạch định cho việc tạo ra kết quả dự định cho các quá trình cần thiết đã được xác định trong mục 4.4. So với điều khoản 4.4, điều khoản 8.1 này cụ thể hơn và bao gồm quá trình nội bộ và cả quá trình gia công bên ngoài (outsource).
Lập kế hoạch các quá trình có nghĩa là xác định các quá trình cần thiết cho một dự án, hợp đồng cụ thể hoặc đặt hàng và xác định trình tự và mối tương quan của chúng. Yêu cầu điều khoản 8.1 không dừng lại ở việc lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát các quá trình, mà kế hoạch còn phải giải quyết các cơ hội và rủi ro, áp dụng các hoạch định thay đổi đã xác định ở điều khoản 6.
Các bước lập kế hoạch trong phiên bản ISO 9001:2008 chỉ tập trung vào việc làm thế nào để xác định sự phù hợp cho hoạt động của quá trình, còn phiên bản 9001:2015 tập trung vào việc áp dụng việc kiểm soát và đầy đủ các nguồn lực cho việc thiết lập các quá trình để đạt được kết quả như dự định (ngay cả khi có sự thay đổi theo ý muốn và ngoài ý muốn).
Làm thế nào để chứng minh?
Thông thường, quá trình lập kế hoạch tạo sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ trải qua các bước sau (không hạn chế tuỳ theo tổ chức):
- Việc đầu tiên của lập kế hoạch tạo sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ là xác định yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ dự định cung cấp (xem mục 8.1.a);
- Tiếp theo là mô tả chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà tổ chức dự định cung cấp (tiêu chí về sản phẩm và dịch vụ – 8.1.b.2);
- Xác định các quá trình cần thiết và tiêu chí quản lý cho các quá trình này (xác định đầu ra mong muốn cho quá trình – 8.1.b.1);
- Xác định các nguồn lực cần thiết và phù hợp cho các quá trình này (8.1.c);
- Xác định khung thời gian và mục tiêu cần đạt được;
- Kiểm soát các sự thay đổi nếu có (8.1).
Đối với sản phẩm khách hàng cụ thể, hoạch định sản phẩm được thúc đẩy bởi các yêu cầu của khách hàng, đơn đặt hàng hoặc hợp đồng. Điều này có thể đòi hỏi một quá trình lập kế hoạch dự án để cung cấp cho khách hàng theo các yêu cầu khả thi. Khi nhận được một hợp đồng hoặc đơn đặt hàng, sau đó một quá trình xử lý đơn hàng là cần thiết để xác nhận và đồng ý với yêu cầu của khách hàng, các điều khoản và điều kiện cho việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ.
Đối với sản phẩm độc quyền, hoạch định sản phẩm được định hướng bởi quá trình tạo nhu cầu, nó tìm kiếm những cơ hội mới, chúng sẽ là kết quả trong sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới và việc lập kế hoạch tạo sản phẩm tuỳ thuộc vào dự đoán và khả năng của tổ chức.
Trong việc hoạch định tạo sản phẩm, có một số yếu tố liên quan – Nhiệm vụ, thời gian, trách nhiệm, nguồn lực, ràng buộc, phụ thuộc và trình tự. Các Lưu đồ dòng chảy cho mỗi quá trình đó đã được phát triển trong việc thiết lập hệ thống quản lý xác định nhiệm vụ. Công việc của nhà hoạch định là thiết lập, mặc dù nhiệm vụ này, trình tự của chúng và các đặc điểm quá trình trong các thuật ngữ của sản lượng, nguồn lực, khả năng và khả năng yêu cầu bất kỳ sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của một dự án, hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cụ thể.
Công cụ thường được sử dụng trong việc hoạch định tạo sản phẩm là biểu đồ Gantt. Biểu đồ Gantt mô tả các nhiệm vụ và trách nhiệm hiển thị một khoảng thời gian khi nhiệm vụ được bắt đầu và khi chúng được hoàn thành.
ÁP DỤNG HÀNH ĐỘNG CỦA ĐIỀU KHOẢN 6 TRONG VIỆC HOẠCH ĐỊNH
Tiêu chuẩn yêu cầu
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6 (8.1).
Điều này có nghĩa là gì?
Yêu cầu này là để cập việc tư duy dựa trên rủi ro, tức là thực hiện hành động phòng ngừa ngay từ ban đầu. Trong điều khoản 6, chúng ta đã xác định các rủi ro và cơ hội, xác định các mục tiêu và hoạch định sự thay đổi.
Sau khi thực hiện các hành động ở điều khoản 6, tổ chức phải áp dụng các kết quả của quá trình này vào hoạch định sản xuất sản phẩm ở điều khoản 8.1. Tức là những quá trình nào đã xác định các rủi ro và cơ hội cần kiểm soát trong điều khoản 6 phải được tích hợp vào các quá trình trong việc hoạch định tạo sản phẩm này.
Làm thế nào để chứng minh?
Trong việc lập kế hoạch, tổ chức phải thể hiện các mục tiêu quá trình, các rủi ro cần phải kiểm soát và hoạch định cho các sự thay đổi (nếu có).
XÁC ĐỊNH CÁC YÊU CẦU CHO SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ
Tiêu chuẩn yêu cầu?
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6, bằng cách: xác định các yêu cầu sản phẩm và dịch vụ (8.1.a)
Điều này có nghĩa là gì?
Những yêu cầu nào về sản phẩm và dịch vụ mà bạn phải đáp ứng? Những yêu cầu đó có thể bao gồm hầu như bất cứ điều gì. Chúng có thể liên quan đến tính kịp thời, kích thước, hình dạng, màu sắc, hoạt động, tính năng, hoặc bất cứ điều gì từ một khách hàng hoặc bên liên quan. Trong tiêu chuẩn này, yêu cầu này bắt nguồn từ một trong hai điều khoản:
- 2.2 Xác định các yêu cầu liên quan đến sản phẩm và dịch vụ.
- 3 Thiết kế và phát triển sản phẩm và dịch vụ.
Làm thế nào để chứng minh?
Có rất nhiều các yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ cần phải đáp ứng, các yêu cầu này sẽ trình bày chi tiết ở phần 8.2.2.
THIẾT LẬP TIÊU CHÍ CHO CÁC QUÁ TRÌNH
Tiêu chuẩn yêu cầu
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6, bằng cách: thiết lập tiêu chí cho các quá trình (8.1.b.1)
Điều này có nghĩa là gì?
Quá trình trong tổ chức của bạn là chuỗi các hoạt động và nhiệm vụ được liên kết bằng một mục đích chung. Tổ chức của bạn phải xác định các tiêu chí để đảm bảo các quá trình được thực hiện một cách chính xác và cung cấp đầu ra như dự định. Đây là một sự lặp lại của một yêu cầu của điều khoản 4.4.c.
Quá trình chia làm 2 nhóm – đó là quá trình tạo ra sản phẩm cụ thể và quá trình tạo ra sản phẩm không cụ thể.
- Các quá trình không phải sản phẩm cụ thể thường là các quá trình quản lý và hỗ trợ như quản lý sứ mệnh và quản lý nguồn lực.
- Quá trình thiết kế, quá trình tạo sản phẩm và quá trình giao hàng là sản phẩm cụ thể điển hình.
Đối với các quá trình tạo ra sản phẩm cụ thể, việc thiết lập tiêu chí quản lý cho quá trình dễ dàng hơn là các quá trình tạo ra sản phẩm không điển hình. Việc thiết kế tiêu chí quản lý cho quá trình cần chú ý đến các tiêu chí sau:
- Tiêu chí đầu vào quá trình: nguyên vật liệu, linh kiện, …
- Tiêu chí nguồn lực: tiêu chí năng lực con người, tiêu chí về hoạt động thiết bị, tiêu chí về cơ sở hạ tầng, tiêu chí về môi trường làm việc (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ rung, …) …;
- Tiêu chí thông qua các công đoạn, bán thành phẩm;
- Tiêu chí thông qua sản phẩm (đầu ra dự định của quá trình);
- Tiêu chí về hoạt động giám sát và đo lường (khi nào đo? đo ở đâu? đo như thế nào? Ai là người đo?)
- Tiêu chí về an toàn: bảo hộ lao động, …
Làm thế nào để chứng minh?
Đối với mỗi quá trình mà tổ chức của bạn xác nhận là cần thiết cho hoạt động của QMS, bạn phải có một tiêu chí quản lý rõ ràng. Tiêu chuẩn không chỉ rõ bất cứ hình thức hoặc công cụ nào áp dụng cho việc xác định tiêu chí này, do đó tổ chức tự quyết định hình thức trình bày và sử dụng công cụ phù hợp nhất với tổ chức. Tổ chức cũng có thể sử dụng biểu đồ QCPC trong phần 4.4.c ở chương 8 để đáp ứng yêu cầu này.
THIẾT LẬP TIÊU CHÍ CHO CHẤP NHẬN CHO SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ
Tiêu chuẩn yêu cầu
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6, bằng cách: thiết lập tiêu chí chấp nhận cho sản phẩm và dịch vụ (8.1.b.2)
Điều này có nghĩa là gì?
Tất cả các sản phẩm và dịch vụ phải được kiểm tra bằng một cách nào đó. Đây là những gì tiêu chuẩn đề cập đến như là “sự chấp nhận”. Việc kiểm tra có thể đơn giản hay phức tạp, chủ động hoặc thụ, nhưng bạn làm điều gì đó để đảm bảo sản phẩm của bạn đáp ứng yêu cầu. Việc quyết định tiêu chí này tuỳ thuộc vào quyết định của bạn về những gì cần thiết và khi nào thực hiện. Về cơ bản, việc thiết lập kiểm soát thường liên quan đến ba bước:
- Đầu vào (nguyên vật liệu, linh kiện): Đây là việc xác minh sản phẩm mua hoặc quá trình gia công. Nó có thể đơn giản hay phức tạp, tùy thuộc vào bản chất của các sản phẩm đầu vào.
- Trong quá trình (kiểm tra bán thành phẩm): Trước khi sản phẩm hoặc dịch vụ được hoàn thành, nó thường phải trải qua một cuộc kiểm tra đánh giá. Điều này có thể ngăn chặn các vấn đề ngay khi mới xuất hiện và cho phép điều chỉnh dòng chảy quá trình sản xuất sản phẩm.
- Đầu ra (sản phẩm): Khi sản phẩm hay dịch vụ hoàn tất, một kiểm tra cuối cùng thường được thực hiện. Quá trình này nhầm xác nhận một lần nữa rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đã đạt yêu cầu.
Các tiêu chí để chấp nhận sản phẩm là những đặc điểm mà sản phẩm hay dịch vụ cần có để chứng tỏ nó được chấp nhận bởi khách hàng hoặc cơ quan quản lý. Đây là những tiêu chuẩn, tài liệu tham khảo, và các phương tiện khác được sử dụng để đánh giá sự tuân thủ với các yêu cầu quy định. Trong một số trường hợp các yêu cầu có thể được xác nhận trực tiếp chẳng hạn như khi có thể đo kích thước được quy định. Trong trường hợp khác, các phép đo được thực hiện để suy ra việc đáp ứng yêu cầu (ví dụ trong sản phẩm thực phẩm, chỉ tiêu vệ sinh thực phẩm được suy ra từ phép đo hàm lượng vi sinh vật nhiễm tạp dưới ngưỡng).
Làm thế nào để chứng minh?
Đối với từng sản phẩm và dịch vụ, tổ chức phải có một bản tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm và dịch vụ này. Tiêu chuẩn này ghi rõ các tiêu chí cần có cho một sản phẩm hoặc dịch vụ. Vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn trong điều khoản 8.6 thông qua sản phẩm và dịch vụ.
Một phương pháp phổ biến để xác định tiêu chí chấp nhận là phân tích từng yêu cầu và thiết lập việc đo lường, chúng sẽ chỉ ra rằng yêu cầu đã đạt được. Trong một số trường hợp, tổ chức có thể sử dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế để thiết lập các tiêu chí này. Trong trường hợp tổ chức phải tự thiết lập tiêu chí cho sản phẩm hoặc dịch vu thì tổ chức nên chọn một tiêu chuẩn mà chúng có thể đạt được, rõ ràng và có thể chấp nhận cho cả khách hàng và nhà cung cấp. Và nếu tiêu chí đạt được sẽ được coi là thoả mãn mục đích của yêu cầu.
Các tiêu chí cần phải được xác định bởi các tiêu chuẩn dạng tài liệu hoặc mô hình rõ ràng và trong các dạng này phải xác định chính xác các tính năng phân biệt đại diện cho sản phẩm phù hợp và không phù hợp.
XÁC ĐỊNH NHU CẦU VỀ NGUỒN LỰC CẦN THIẾT
Yêu cầu tiêu chuẩn
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6, bằng cách: xác định các nguồn lực cần thiết để đạt được sự phù hợp với yêu cầu cho sản phẩm và dịch vụ (8.1.c)
Điều đó có nghĩa là gì?
Yêu cầu này đòi hỏi tổ chức phải có một danh sách các nguồn lực cần thiết cho việc tạo sản phẩm và dịch vụ. Những nguồn lực này đã được xác định trong điều khoản 7.1.1, nhưng ở điều khoản này cụ thể hơn là các nguồn lực việc tạo sản phẩm và dịch vụ. Các nguồn lực này có thể bao gồm các thiết bị, máy móc, điện nước, con người, nguyên liệu, vật tư, tài chính, … phục vụ cho việc đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ.
Nguồn lực của tổ chức luôn luôn khan hiếm, việc phân bổ nguồn lực hợp lý sẽ giúp tiết kiệm chi phí và làm tăng lợi nhuận cho tổ chức. Vì vậy, việc xác định đúng và đủ các nguồn lực cần thiết là rất quan trọng cho mội tổ chức.
Làm thế nào để chứng minh?
Các nguồn lực cần thiết cho hoạt động của QMS chúng ta đã xác định ở điều khoản 7.1.1, trong điều khoản này chúng ta chỉ tích hợp các nguồn lực đó vào quá trình hoạch định và kiểm soát vận hành. Để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu của điều khoản này tổ chức phải chứng tỏ rằng quá trình hoạch định việc tạo sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ của tổ chức đã tính đến và cung cấp các nguồn lực cần thiết để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ như dự định (đáp ứng được các yêu cầu).
Đối với các tổ chức có quy mô nhỏ, việc đáp ứng yêu cầu này đơn giản là xác định số lượng thiết bị sử dụng, cơ sở hạ tầng, con người, môi trường làm việc, phương tiện truyền thông …
ÁP DỤNG CÁC TIÊU CHÍ ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH VÀO VIỆC KIỂM SOÁT QUÁ TRÌNH.
Yêu cầu tiêu chuẩn
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6, bằng cách: áp dụng việc kiểm soát các quá trình theo các
tiêu chí được đặt ra (8.1.d)
Điều đó có nghĩa là gì?
Ở điều khoản 8.1.b.1 chúng ta đã xác định các tiêu chí cần thiết cho việc hoạt động của quá trình. Ở điều khoản này, tiêu chuẩn yêu cầu tổ chức phải áp dụng các tiêu chí đã được xác định đó vào việc kiểm soát hoạt động của quá trình.
Làm thế nào để chứng minh?
Tổ chức phải chứng minh các quá trình kiểm soát được hoạch định đã được thực hiện. Thông thường các quá trình kiểm soát bao gồm: kiểm tra, giám sát, đo lường, đánh giá nhằm xem xét các quá trình có cung cấp đầu ra như dự định.
ÁP DỤNG CÁC TIÊU CHÍ ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH VÀO VIỆC KIỂM SOÁT QUÁ TRÌNH.
Yêu cầu tiêu chuẩn
Tổ chức cần hoạch định, áp dụng và kiểm soát các quá trình (xem 4.4) cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ, và áp dụng các hành động được xác định trong điều khoản 6, bằng cách: xác định, duy trì và lưu giữ các thông tin dạng văn bản theo mức độ cần thiết (8.1.e):
1) để có được sự tự tin rằng các quá trình được thực hiện theo đúng hoạch định;
2) để chứng minh sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ đối với các yêu cầu.
Điều đó có nghĩa là gì?
Trong điều khoản này có 2 yêu cầu nhỏ, một là xác định và hai là duy trì hoặc lưu trữ thông tin dạng văn bản. Có nghĩa là trước tiên bạn phải xác định những loại tài liệu nào cần thiết cho hoạt động của quá trình và những hồ sơ nào cần để lại để chứng minh bạn đã thực hiện công việc như hoạch định và để chứng minh rằng các quá trình và các sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Sau đó nếu nó là tài liệu thì bạn phải duy trì và nếu nó là hồ sơ thì phải lưu giữ theo như yêu cầu của điều khoản 7.5.
Điều này không có nghĩa là mọi hoạt động đều phải ghi lại thông tin dạng văn bản hoặc duy trì một thông tin văn bản cho hoạt động của chúng. Việc cần phải duy trì hoặc lưu giữ thông tin dạng văn bản nào là quyền của tổ chức, tuy nhiên nó phải có đủ để cho hoạt của động quá trình theo như đã hoạch định và chứng minh được sản phẩm sản xuất ra là phù hợp với yêu cầu.
Việc duy trì thông tin dạng văn bản giúp người vận hành có đủ các thông tin cần thiết thực hiện các hoạt động của quá trình và việc lưu giữ các thông tin dạng văn bản giúp cho các nhà quản lý biết được tình trạng thực hiện của quá trình và cũng giúp các nhà phân tích tìm kiếm cơ hội cải tiến hiệu quả quá trinh.
Làm thế nào để chứng minh?
Tùy thuộc vào loại hình, quy mô, sản phẩm và dịch vụ của tổ chức mà việc duy trì và lưu trữ thông tin dạng văn bản khác nhau, dưới đây là một ví dụ về các thông tin dạng văn bản của tổ chức:
Thông tin duy trì:
- Thông số kỹ thuật sản phẩm;
- Bảng dữ liệu sản phẩm;
- Tiêu chuẩn quá trình;
- Quy trình vận hành chuẩn;
- Hướng dẫn làm việc;
- Flowchart (Lưu đồ);
- Biểu mẫu trống;
- Checlist trống,
- Yêu cầu từ các bên liên quan, …
Thông tin lưu giữ:
- Dữ liệu kiểm tra sản phẩm;
- Báo cáo kiểm tra đầu vào (IQC);
- Báo cáo kiểm tra trong quá trình (IPQC);
- Báo cáo kiểm tra cuối cùng (OQC);
- Hồ sơ năng lực quá trình;
- Hồ sơ bảo trì, hiệu chuẩn thiết bị;
- Hồ sơ cung cấp nguồn lực, ….
ĐẦU RA CỦA QUÁ TRÌNH HOẠCH ĐỊNH PHẢI PHÙ HỢP VỚI HOẠT ĐỘNG
Yêu cầu tiêu chuẩn
Đầu ra của việc hoạch định cần phù hợp với các hoạt động của tổ chức.
Điều đó có nghĩa là gì?
Đầu ra của việc lập kế hoạch có thể có rất nhiều các hình thức tùy theo tính chất của sản phẩm, dự án, hợp đồng hoặc dịch vụ và sự phức tạp của nó. Đối với sản phẩm đơn giản, đầu ra kế hoạch có thể là một tài liệu duy nhất. Đối với các sản phẩm phức tạp, đầu ra kế hoạch có thể đưa ra các dạng của một kế hoạch dự án và một loạt kế hoạch bổ sung cho từng hình thức trong một sổ tay với nhiều phần khác nhau.
Tiêu chuẩn không áp đặt một định dạng nhất định cho đầu ra của hoạt động lập kế hoạch hoặc nhấn mạnh rằng các thông tin này phải dùng nhãn cụ thể. Mỗi sản phẩm là khác nhau và do đó kết quả đầu ra kế hoạch cần phải phù hợp với các yêu cầu đầu vào của quá trình mà nó tiêu thụ.
Làm thế nào để chứng minh?
Kế hoạch cụ thể là cần thiết khi công việc được thực hiện đòi hỏi phải có kế hoạch chi tiết, chúng đã được hoạch định bởi các hệ thống quản lý. Hệ thống sẽ không chỉ định tất cả mọi thứ bạn cần làm cho mỗi công việc. Nó thường chỉ rõ chỉ có quy định chung, chúng áp dụng trong phần lớn các tình huống. Bạn cần phải xác định các hoạt động cụ thể được thực hiện, các tài liệu được tạo ra và các nguồn lực được sử dụng. Các hợp đồng có thể chỉ rõ các tiêu chuẩn cụ thể hoặc yêu cầu mà bạn phải đáp ứng và điều này có thể yêu cầu bổ sung quy định đối tượng xác định trong tài liệu hệ thống quản lý.
Đầu ra của tất cả các hoạch định là bản thân của hệ thống quản lý, nó bao gồm các chính sách, thủ tục, hồ sơ,… Bạn không cần phải tạo ra một tài liệu mang tên “Kế hoạch Thực hiện sản phẩm” hoặc “Kế hoạch chất lượng.” Chỉ cần có kế hoạch quá trình sản xuất của mình, sau đó suy nghĩ về các yêu cầu, quy trình, nguồn lực, và điều khiển sẽ được cần thiết để đạt được phù hợp với sản phẩm và dịch vụ là được.
KIỂM SOÁT SỰ THAY ĐỔI CỦA KẾ HOẠCH
Yêu cầu tiêu chuẩn
Tổ chức cần kiểm soát những thay đổi được hoạch định và xem xét hậu quả của những thay đổi ngoài ý muốn, thực hiện các hành động giảm thiểu các tác động phụ có thể có, khi cần thiết.
Điều đó có nghĩa là gì?
Điều khoàn này yêu cầu tổ chức phải kiểm soát các thay đổi ngoài ý muốn trong qua trình thực hiện kế hoạch và thực hiện các hành động cần thiết để giải quyết các tác động của việc thay đổi này nếu thấy cần thiết.
Đây là yêu cầu bao quát chung, nó kết hợp hai điều khoản, một là Hoạch định sự thay đổi ở điều khoản 6.3 và Kiểm soát sự thay đổi ở điều khoản 8.5.6.
Làm thế nào để chứng minh?
Khi có sự thay đổi trong việc hoạch định vận hành, tổ chức cần phải xem xét tính cần thiết phải thực hiện hành động trước tác động không mong muốn của nó. Nếu quá trình xem xét thấy rằng cần thiết thì tổ chức cần hoạch định sự thay đổi theo điều khoản 6.3 và thực hiện hành động kiểm soát sự thay đổi theo điều khoản 8.5.6.
KIỂM SOÁT NHÀ THẦU PHỤ
Yêu cầu tiêu chuẩn
Tổ chức cần đảm bảo rằng các quá trình sử dụng thầu phụ cũng được kiểm soát.
Điều đó có nghĩa là gì?
Yêu cầu này nhằm nhắc nhở tổ chức rằng, khi hoạch định vận hành “Hãy nhớ các nhà thầu phụ”. Các nhà thầu phụ cũng gốp phần không nhỏ đến việc cung cấp đầu ra như dự định của tổ chức, do đó khi hoạch định việc vận hành tổ chức phải hoạch định và kiểm soát các nhà thầu phụ này.
Làm thế nào để chứng minh?
Chúng ta sẽ phân tích cụ thể điều này ở điều khoản 8.4.
————————————-
P/S Nếu bạn thấy bài viết này có ích cho bạn và người khác, hãy giúp tôi chia sẽ cho những người khác biết. Nếu bài viết chưa tốt vui lòng comment bên dưới để chúng tôi hoàn thiện lại. Cám ơn bạn rất nhiều!
Nguyễn Hoàng Em